Theo một nghiên cứu mới đây, việc điều trị bằng thuốc kháng sinh thường xuyên, giá cả phải chăng đã làm giảm đáng kể nguy cơ tiến triển của bệnh thấp tim ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Thấp tim là một bệnh viêm cấp tính có tính chất toàn thân (có liên quan đến miễn dịch) chỉ xảy ra sau một hay nhiều đợt viêm họng do liên cầu beta tan huyết nhóm A theo phân loại của Lancefield. Trong vòng 2-3 tuần sau khi nhiễm liên cầu vùng hầu họng, nếu không được điều trị đầy đủ và đúng cách thì bệnh có thể tiến triển thành thấp tim. Bệnh biểu hiện bằng một hội chứng bao gồm: Viêm đa khớp, viêm tim, chorea, hạt dưới da, ban đỏ vòng. Thấp tim phổ biến ở trẻ 5-15 tuổi, tỷ lệ mắc bệnh ở nam và nữ là ngang nhau. Bệnh có thể gây ra những biến chứng nặng nề ở tim, khớp, não và da. Ở tim, thấp tim có thể để lại những hậu quả kéo dài như viêm tim, dày dính van tim, lâu ngày dẫn tới những tổn thương van tim, rối loạn nhịp tim, suy tim, đột quỵ hay thậm chí tử vong.
Không phải mọi bệnh nhân bị nhiễm liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A ở hầu họng đều bị thấp tim mà chỉ một tỷ lệ nhỏ dẫn tới thấp tim. Những yếu tố thuận lợi cho bệnh bao gồm như tuổi tác (90% trường hợp thấp tim gặp ở trẻ 7-15 tuổi, chủ yếu là 9-12 tuổi, ít gặp ở trẻ dưới 5 tuổi), yếu tố môi trường (điều kiện lạnh và ẩm nên bệnh thường xuất hiện vào mùa đông, xuân ở các nước vùng nhiệt đới, ôn đới), cơ địa (bệnh hay gặp ở trẻ có cơ địa dị ứng như mề đay, hen phế quản, chàm…), mức sống (bệnh phổ biến ở vùng có điều kiện sinh hoạt thấp, vệ sinh kém, kinh tế khó khăn, nhà chật chội,…)
Theo nghiên cứu do Viện nghiên cứu trẻ em Murdoch (MCRI), Viện tim Uganda và bệnh viện Nhi Quốc gia ở Washington đã chỉ ra rằng, tầm soát sớm rất quan trọng trong việc ngăn ngừa và giảm thiểu sự tiến triển của bệnh thấp tim với các tình trạng nghiêm trọng và tử vong ở trẻ nhỏ.
Bệnh thấp tim ảnh hưởng đến 40.5 triệu người trên toàn cầu và gây ra ít nhất 306 000 ca tử vong mỗi năm. Trước đây, người ta chưa có sự xác nhận về việc kháng sinh có hiệu quả trong việc ngăn chặn sự tiến triển của bệnh thấp tim tiềm ẩn hay không. Theo PGS Andrea Beaton – Bệnh viện Nhi Cincinnati (Mỹ) nói: “thử nghiệm này là thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng đầu tiên hiện nay trong bệnh thấp tim. Kết quả vô cùng quang trọng và chứng minh rằng các thử nghiệm lâm sàng chất lượng cao là khả thi để giải quyết căn bệnh về tim mạch này”. Thử nghiệm được thực hiện ở 818 trẻ em ở Uganda độ tuổi từ 5-17 và mắc các bệnh thấp tim tiềm ẩn. Những người tham gia sẽ được chia thành hai nhóm, một nhóm được tiêm Penicillin 4 tuần một lần trong vòng 2 năm, nhóm còn lại không điều trị. Tất cả đều được siêu âm tim khi bắt đầu và kết thúc cuộc thử nghiệm. Cuộc thử nghiệm đã báo cáo rằng, chỉ ba người (chiếm 0.8%) trong nhóm được dùng Penicillin bị bệnh tim thấp tiến triển tiềm ẩn, trong khi nhóm không được điều trị là 33 người (chiếm 8.3%).
Tiến sĩ Daniel Engelman của MCRI phát biểu: “Kết quả cho thấy cứ 13 trẻ em mắc bệnh tiềm ẩn được điều trị trong hai năm, sẽ có một trẻ được ngăn nữa phát triển bệnh hơn là diễn biến nặng hơn. Đây là một phát hiện quan trọng giúp hình thành chiến lược phòng ngừa bệnh mãn tính và nặng. Giáo sư Andrew Steer của MCRI cho rằng, tầm soát bệnh thấp tim tiềm ẩn rất quan trọng để giúp ngăn chặn sự tiến triển bệnh do tổn thương van tim – một tổn thương mà phần lớn không thể điều trị được. Do trẻ em mắc bệnh thấp tim tiềm ẩn không có triệu chứng rõ ràng và không thể phát hiện nhưng thay đổi của van tim trên lâm sàng. Hiện nay, hầu hết bệnh nhân được chấn đoán khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng và xuất hiện biến chứng. Việc chẩn đoán muộn này có liên quan đến tỷ lệ tử vong cao khi còn trẻ. Vì vậy nếu phát hiện sớm sẽ giúp người bệnh có cơ hội can thiệp và cải thiện sức khỏe.
Vào năm 2018, Uganda đã ủng hộ nghị quyết của Tổ chức Y tế Thế giới để biến tình trạng bệnh trở thành ưu tiên toàn cầu. Tiến sĩ Emmy Okello – Viện Tim mạch Uganda cho biết: Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, một loại Penicillin rẻ và dễ kiếm có thể ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh thấp tim tiềm ẩn thành tổn thương van nặng hơn – một hiện tượng thường thấy ở các bệnh viện của chúng tôi mà bệnh nhân không có điều kiện phẫu thuật van tim”. Điều này mở lối cho việc tăng cơ hội điều trị giá thành rẻ và giảm tỷ lệ tử vong cho các bệnh nhân mắc căn bệnh này.
Biên dịch và tổng hợp: Ngọc Anh
Tài liệu tham khảo:
- Andrea Beaton, Emmy Okello, Joselyn Rwebembera, Anneke Grobler, Daniel Engelman, Juliet Alepere, Lesley Canales, Jonathan Carapetis, Alyssa DeWyer, Peter Lwabi, Mariana Mirabel, Ana O. Mocumbi, Meghna Murali, Miriam Nakitto, Emma Ndagire, Maria C.P. Nunes, Isaac O. Omara, Rachel Sarnacki, Amy Scheel, Nigel Wilson, Meghan Zimmerman, Liesl Zühlke, Ganesan Karthikeyan, Craig A. Sable, Andrew C. Steer. Secondary Antibiotic Prophylaxis for Latent Rheumatic Heart Disease. New England Journal of Medicine, 2021; DOI: 10.1056/NEJMoa2102074
Link bài viết tham khảo
- https://www.sciencedaily.com/releases/2021/11/211113181402.htm
- https://www.vinmec.com/vi/tim-mach/thong-tin-suc-khoe/benh-thap-tim-la-benh-gi-dac-diem-cua-benh/