Xét nghiệm là cách dễ nhất để nhận biết được quan hệ huyết thống cha con. Tuy nhiên ở một số trường hợp hi hữu điều này lại có phần phức tạp vì hóa ra người đàn ông lại chỉ có thể là bố ruột của một trong 2 đứa trẻ sinh đôi. Và hiện tượng này theo khoa học gọi là sinh đôi khác cha. Mặc dù khó tin nhưng nó vẫn xảy ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.
TRƯỜNG HỢP THỰC TẾ
Vào tháng 8-2018, Nhóm Nhận dạng di truyền quần thể của Đại học Quốc gia Colombia nhận được yêu cầu xác định quan hệ cha con cho một cặp song sinh nam.
.
Cả hai chào đời đủ tháng sau 35 tuần mang thai. Bé đầu tiên nặng 1.700gam và bé thứ hai nặng 2.380gam. Nhóm nghiên cứu đã lấy mẫu máu của cha mẹ và cặp sinh đôi để phân tích di truyền sau khi cha mẹ của cặp sinh đôi đồng ý bằng văn bản và cho phép công bố kết quả nghiên cứu.
.
Kết quả phân tích di truyền kết luận hai trẻ sinh đôi có hai người cha khác nhau. Người cha trên giấy tờ chỉ là cha ruột của đứa trẻ sinh đôi đầu tiên nhưng không phải là cha của đứa trẻ thứ hai. Theo nhóm nghiên cứu Colombia, đến thời điểm đó y văn thế giới chỉ mới ghi nhận 19 trường hợp sinh đôi khác cha trên thế giới.
.
Ca thứ 20 được công bố vào tháng 7-2022. Theo báo O Globo của Brazil, một cô gái không nêu tên (19 tuổi) sinh đôi hai bé trai vào mùa xuân năm 2021 tại Mineiros (bang Goiás, Brazil). Người mẹ nhìn thấy hai bé trông giống nhau nhưng tỏ ra nghi ngờ quan hệ cha con vì chiều cao của hai bé chênh lệch nhau.
.
Đến lúc hai bé được 8 tháng tuổi, người mẹ đưa hai con cho người cha đi xét nghiệm ADN. Kết quả thật bất ngờ, người cha ấy chỉ là cha ruột của một bé mà thôi.
.
Lúc bấy giờ người mẹ trẻ mới sực nhớ đã từng quan hệ tình dục với một người đàn ông khác nên gọi bạn tình cũ đi xét nghiệm. Kết quả phân tích ADN chứng minh người này chính là cha ruột của đứa bé thứ hai.
.
Bác sĩ Túlio Jorge Franco, là người trực tiếp hỗ trợ trường hợp nêu trên, giải thích do người mẹ trẻ đã quan hệ tình dục với hai người đàn ông cùng một ngày và có thai với cả hai, do đó hai trẻ song sinh có cha khác nhau. Quá trình mang thai suôn sẻ, không xảy ra biến chứng nào và hai bé chào đời khỏe mạnh.
.
Một ca sinh đôi khác cha hiếm gặp tương tự đã được công bố trên tạp chí luật The New Jersey Law Journal (Mỹ). Một phụ nữ tên T.M., ở bang New Jersey, đòi người yêu cũ mà chị xem là cha của hai bé gái sinh đôi chào đời vào tháng 1-2013 phải chu cấp nuôi con. Trung tâm hoạt động xã hội của hạt Passaic nhận đơn.
.
Chị T.M. khai đã quan hệ tình dục với bạn trai cũ và một người đàn ông khác trong cùng tuần lễ trước lúc mang thai. Thẩm phán quyết định cần xét nghiệm xác định quan hệ cha con. Kết quả xét nghiệm ADN do Công ty Phòng thí nghiệm Mỹ thực hiện cho thấy hai bé gái sinh đôi có hai người cha khác nhau.
.
NGUỒN GỐC CỦA SỰ KHÁC NHAU
Trong buồng trứng, xung quanh một tế bào (TB) trứng có các loại TB bao bọc. Nếu trứng chín, rụng, nhưng không được thụ thai, các TB này sẽ tiêu biến. Trứng được thụ thai, những TB này sẽ phát triển nhanh thành một khối mô màu vàng (gọi là thể vàng hay hoàng thể), đường kính khoảng 1,5cm sau 7, 8 ngày phóng noãn (rụng trứng). Hoàng thể tiết ra nội tiết tố Oestrogen và Progesteron - hai hormon sinh dục nữ rất quan trọng, trong đó Progesteron (hoàng thể tố, trợ thai tố) - hormon có tác dụng ức chế các hormon kích thích trứng phát triển đến chín và rụng. Xin giải thích, quá trình phát triển trứng đến chín khởi đầu bằng vùng dưới đồi thị (một cấu trúc giải phẫu ở mặt dưới não) tiết ra hormon GnRH (Gonadotropin releasing hormon) có tác dụng kích thích tuyến yên tiết ra FSH (Follicle stimulating hormon hay kích noãn (trứng) bào tố) và LH (Luteinizing hormon) - gọi chung là các Gonadotropin - có vai trò kích hoạt để trứng phát triển, rụng. LH còn kích thích hoàng thể phát triển và bài tiết Progesteron, có vài trò đặc biệt quan trọng cho quá trình phát triển thai nhi và ức chế các TB trứng còn lại không phát triển.
.
Thông thường ở người, theo cơ chế này, sau một lần đã thụ thai dù đơn hay đa thai sẽ không thụ thai thêm nữa. Tuy nhiên, đã phát hiện hiếm hoi một số trường hợp thụ thai lần 2 chỉ sau lần trước ít ngày mà y học gọi là bội thụ tinh khác kỳ (BTTKK, superfetation). BTTKK tương đối phổ biến ở động vật như chó, mèo, bò và loài gặm nhấm... nhưng rất hiếm xảy ra ở người. Cơ hội để một TB tinh trùng kết hợp với TB trứng là khá nhỏ bởi hành trình dài đi gặp trứng rất khắc nghiệt ở đường sinh dục nữ với hai yếu tố pH axit không thích hợp với tinh trùng và bạch cầu nhận diện chúng là “xa lạ” cần phải tiêu diệt. Vì thế, ngay cả BTTKK cùng cha cũng rất hiếm, bởi ngoài chuyện tinh trùng gặp nhiều khó khăn thì phải có hai TB trứng chín và rụng cùng lúc để một trứng được thụ tinh trước và trứng kia thụ tinh sau đó ít ngày. Cũng giống như mọi song sinh khác trứng thụ tinh cùng lúc, hai đứa trẻ BTTKK sinh ra có thể không giống nhau về giới tính và ngoại hình vì có nhiều khác biệt di truyền (mỗi trẻ chỉ có khoảng 50% bộ ADN chung), trong khi sinh đôi cùng trứng hai trẻ giống nhau hoàn toàn về giới tính, ngoại hình do bộ ADN hoàn toàn giống nhau).
.
NGOẠI HÌNH KHÁC NHAU CHƯA CHẮC ĐÃ LÀ SINH ĐÔI KHÁC CHA
Theo báo Le Monde (Pháp), ca sinh đôi khác cha đầu tiên được nêu trong y văn thế giới là trường hợp được bác sĩ John Archer (bác sĩ đầu tiên tốt nghiệp y khoa ở Mỹ vào năm 1768) báo cáo năm 1810.
.
Cặp sinh đôi có hai người cha khác nhau gồm một người da trắng và một người da đen. Cả hai người đã quan hệ tình dục ngay trước khi bà mẹ mang thai. Các trường hợp khác đã được báo cáo vào năm 1978 trên tạp chí y học New England Journal of Medicine (Mỹ) và năm 1992 trên tạp chí y học The Lancet (Anh).
.
Bác sĩ Túlio Jorge Franco giải thích: "Sinh đôi không cùng cha là hiện tượng cực kỳ hiếm chỉ xảy ra với xác suất một lần trên 1 triệu người".
.
Tình trạng này xảy ra khi người phụ nữ có quan hệ tình dục riêng rẽ với hai người đàn ông và trứng thứ hai đã rụng trong cùng một chu kỳ kinh nguyệt. Tinh trùng của mỗi người đàn ông thụ tinh với một trứng (tinh trùng có thể tồn tại đến năm ngày trong âm đạo), vì vậy người phụ nữ đó đã mang thai đôi.
.
Thông thường cha mẹ chỉ biết cặp sinh đôi có hai người cha khác nhau khi cần xét nghiệm quan hệ cha con.
.
Các nhà di truyền học Mỹ và Úc ghi nhận vào năm 2019, một phụ nữ (37 tuổi) đòi cha mẹ và em trai đi xét nghiệm ADN vì chị nhận ra có quá nhiều điểm khác biệt về ngoại hình cũng như tính tình giữa chị và em trai mặc dù hai người là cặp sinh đôi.
.
Chiều cao hai người chênh nhau gần 8cm. Cân nặng cũng chênh lệch khoảng 14kg. Ngoài ra, một người có mắt màu xanh còn mắt người kia lại màu nâu. Kết quả phân tích di truyền khẳng định hai chị em này đúng là ca sinh đôi khác cha.
.
Sinh đôi khác cha còn có thể do hai trứng thụ tinh trong hai chu kỳ kinh nguyệt khác nhau. Lúc đó, trứng thụ tinh trong tử cung người mẹ có chứa một trứng đã thụ tinh trước đó. Như vậy tử cung chứa hai phôi thai ở hai độ tuổi khác nhau nhưng cuối cùng người mẹ lại sinh đôi.
.
Thật ra không phải cặp sinh đôi nào có dấu hiệu khác biệt đều là cặp song sinh có cha khác nhau. Một ví dụ về trường hợp mắc bệnh bạch tạng đã được công bố vào năm 2010.
.
Các bác sĩ sản khoa Hà Lan báo cáo một bà mẹ là người gốc Congo sinh hai bé gái sinh đôi với ngoại hình rất khác nhau. Một bé có làn da đen, tóc đen xoăn và mắt nâu. Bé còn lại có làn da trắng, tóc xoăn vàng đỏ và mắt xanh.
.
Kết quả xét nghiệm gene cho thấy một bé đã mắc bệnh bạch tạng. Tiền sử gia đình người mẹ cũng có vài ca mắc bệnh bạch tạng.
.
Năm 2001, tạp chí Human Reproductive (Anh) đã nêu một trường hợp đặc biệt về hai lần thụ thai theo báo cáo của các bác sĩ Đại học Stanford (Mỹ). Một phụ nữ 35 tuổi bị vô sinh trong ba năm trước đó đi thụ tinh trong ống nghiệm.
.
Các bác sĩ chỉ cấy hai phôi nhưng chị đã cảm thấy sốc khi biết mình sẽ sinh tư. Thật ra đôi vợ chồng này đã có quan hệ tình dục năm ngày trước khi được lấy trứng để thụ tinh nhân tạo và người phụ nữ nọ đã vô tình mang thai tự nhiên.
.
Vào tuần thứ 32 của thai kỳ, chị hạ sinh một bé trai và ba bé gái. Kết quả xét nghiệm ADN chứng minh bốn con đều có cùng một cha.